Bối cảnh và nguyên nhân Trận_Di_Lăng

Vấn đề Kinh châu

Kinh châu vốn là vùng đất chiến lược với cả ba phe Tào Ngụy, Thục HánĐông Ngô thời Tam Quốc. Sau trận Xích Bích, mỗi phe chiếm một phần Kinh châu. Để có bàn đạp tấn công lên trung nguyên, Lưu Bị phải "mượn" huyện Giang Lăng thuộc Nam quận từ tay Tôn Quyền, là địa bàn có tính chiến lược về quân sự.

Từ năm 214, Lưu Bị chiếm được Tây Xuyên của Lưu Chương, Tôn Quyền đòi lại Giang Lăng, Nam quận nhưng Lưu Bị không trả. Quan hệ giữa Tôn Quyền và tướng trấn thủ của Lưu Bị là Quan Vũ ngày càng căng thẳng.

Năm 218-219, Lưu Bị từ Tây Xuyên đánh chiếm Hán Trung của Tào Tháo. Sau trận đó, Quan Vũ nhân đà thắng lợi, từ Giang Lăng tiến lên đánh Tương Dương và Phàn Thành của Tào Tháo do Tào Nhân trấn thủ. Trong khi chiến sự Phàn Thành có lợi cho Quan Vũ thì Tôn Quyền sai Lã MôngLục Tốn đánh úp Giang Lăng và các quận Kinh châu còn lại của Lưu Bị. Quan Vũ thua trận ở Phàn Thành trở về, bị Đông Ngô bắt giết.

Sau khi chiếm các quận Nghi Đô, Nam Quận và Vũ Lăng từ tay Quan Vũ, Tôn Quyền chủ động xưng thần với Tào Tháo nên được Tào Tháo thừa nhận làm Châu mục Kinh châu. Bản thân Tôn Quyền lập lại Lưu Chương (vốn bị Lưu Bị an trí ở thành Công An) làm Ích châu mục, sai đóng ở Tỉ Quy để làm tiền đồn chống Lưu Bị. Như vậy Tôn Quyền không thừa nhận địa vị của Lưu Bị ở cả Ích châu lẫn Kinh châu như trước.

Năm 220, Tào Tháo qua đời, cuối năm đó con là Tào Phi cướp ngôi Hán Hiến Đế lập ra nhà Ngụy. Tháng 4 năm 221, Lưu Bị cũng xưng đế, lập quốc hiệu là Hán để kế tục Hán Hiến Đế, rồi quyết định khởi binh đánh Đông Ngô.

Toàn bộ phần Kinh châu thuộc Thục đã mất vào tay Đông Ngô. Mất Kinh châu và Quan Vũ là tổn thất lớn cho Lưu Bị. Quan Vũ là tướng mạnh và thân thiết. Có nhiều ý kiến thường nhìn nhận rằng Lưu Bị vì tình riêng mà đánh Ngô, là sai lầm không coi trọng đại cục[2]. Nhưng các sử gia xem xét việc này có lý do chính đáng từ phía Lưu Bị. Lưu Bị có tình nghĩa với Quan Vũ phải báo thù, nhưng không chỉ vì một mình Quan Vũ mà khởi binh. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: sau khi Quan Vũ mất, Lưu Bị không truy phong danh hiệu cho Quan Vũ mà lo việc lên ngôi hoàng đế của mình trước (danh hiệu Tráng Mậu hầu của Quan Vũ mãi năm 260 Lưu Thiện mới truy phong); khi Quan Vũ chết (tháng 12 năm 219), Lưu Bị không khởi binh ngay mà 1 năm rưỡi sau, tới tháng 5 năm 221 mới thực hiện[3].

Việc đánh Ngô có lý do chủ yếu ở phương châm đã định, vì lấy Kinh châu làm 1 bàn đạp tấn công trung nguyên đã nằm trong chiến lược Long Trung đối sáchGia Cát Lượng vạch ra, nên khi Kinh châu mất thì phải đoạt lại[4]. Ngoài ra, xét về thực lực lúc đó, Tào Phi mạnh hơn Tôn Quyền, do đó Lưu Bị tự lượng thực lực của mình dễ đánh thắng Tôn Quyền hơn là đánh thắng Tào Phi, nhất là trong bối cảnh các danh tướng Đông Ngô như Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông đều đã qua đời[5].

Ngoài ra, việc Tào và Tôn bắt tay nhau không thừa nhận địa vị của Lưu Bị, khiến ông càng thêm tức giận. Vì vậy sau khi xưng đế, ông quyết định thân chinh cầm quân đi đánh Đông Ngô.

Quyết sách của Lưu Bị

Trước quyết định của Lưu Bị, một số tướng lĩnh ra sức can gián. Đầu tiên là Triệu Vân, ông cho rằng kẻ thù của Thục Hán là họ Tào chứ không phải họ Tôn, nên phải đánh Tào Ngụy trước để phục hưng nhà Hán. Lưu Bị không nghe theo.

Học sĩ Ích châu là Tần Mật tiếp tục dùng thiên văn can gián. Lưu Bị tức giận tống giam Tần Mật. Tướng Hoàng Quyền cũng khuyên Lưu Bị không nên mạo hiểm thân chinh mà chỉ cần sai một viên tướng đi đông chinh, bản thân Hoàng Quyền tình nguyện lãnh trách nhiệm đánh Ngô, nhưng Lưu Bị cũng không chịu, nhất quyết thân chinh đi đánh Ngô.

Do thái độ tức giận và kiên quyết của Lưu Bị, không ai dám can gián nữa. Ông giao cho thừa tướng Gia Cát Lượng giúp thái tử Lưu Thiện giữ Thành Đô, đích thân cầm quân ra trận.

Trong khi toàn quân đang tập hợp chưa xuất phát thì ông lại mất Trương Phi vì bị các thủ hạ Phạm Cương, Trương Đạt sát hại vào tháng 5 năm 221. Hai người này sang hàng Đông Ngô. Lưu Bị đau đớn, muốn trút hết căm giận lên Tôn Quyền. Tháng 7 năm đó ông hạ lệnh tập trung quân ở huyện Giang châu, Ba quận.